Kỹ thuật hình ảnh hiện đại mới đã tiết lộ vật thể được cho là hóa thạch thằn lằn thực chất là đồ giả được sơn khắc để trông giống như hóa thạch.

Nhiều thế hệ các nhà cổ sinh vật học đã từng kinh ngạc trước một loài bò sát giống thằn lằn có hóa thạch lên đến 280 triệu năm tuổi được phát hiện ở dãy Alps của Ý vào năm 1931. Họ gọi nó là Tridentinosaurus antiquus. Đây được cho là một trong những mẫu vật được bảo quản tốt nhất của một loài bò sát cổ đại. Giới cổ sinh vật học tin rằng thậm chí còn có dấu vết của lớp da bị carbon hóa trên bề mặt.

Tuy nhiên, các kỹ thuật phân tích hình ảnh hiện đại mới đây đã tiết lộ rằng hóa thạch quý giá này thực chất là một tác phẩm chạm khắc công phu được phủ sơn đen.

Nguồn ảnh: PA

Tiến sĩ Valentina Rossi ở Đại học College Cork, Ireland, và nhóm của cô sử dụng kỹ thuật chụp ảnh tia cực tím để quan sát bên dưới lớp vỏ hoá thạch. Thay vì tìm thấy những mô động vật mềm như mong đợi, họ lại tìm thấy một loại mô giả phức tạp. Mặc dù vẫn chưa biết chính xác thời điểm nó được tạo ra và ai tạo ra nó, nhưng Tridentinosaurus đã chính thức bị liệt vào danh sách dài các hóa thạch giả, bao gồm cả hóa thạch Người Piltdown và Archaeoraptor.

Các sinh vật cổ đại, đặc biệt là sinh vật biển cổ xưa được gọi là bọ ba thùy, thường xuyên bị làm giả hoá thạch và các bảo tàng lịch sử tự nhiên trên khắp thế giới vẫn tiếp tục phát hiện nhiều đồ giả trong bộ sưu tập của họ.

Báo cáo trên tờ Palaeontology, Rossi và các đồng nghiệp của cô cho rằng vấn đề này đang gia tăng, và thị trường hóa thạch giả ngày nay rất lớn. Các kỹ thuật hình ảnh hiện đại sẽ giúp vạch trần hàng giả, nhưng Rossi và các đồng nghiệp của cô kêu gọi cần có các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ hồ sơ hóa thạch, bao gồm cả việc cấm vẽ lên hóa thạch.

Nguồn:

https://www.theguardian.com/science/2024/feb/28/the-280m-year-old-fossil-reptile-that-turned-out-to-be-a-forgery